Như thế nào là giàu trong nền kinh tế thị trường?
Từ điển Việt Nam định nghĩa giàu là có nhiều tiền của, tài sản. Như vậy thì bao nhiêu là nhiều? Nhiều hơn ai hay nhiều hơn một mốc nào? Và mốc đó là bao nhiêu?
Để ngẫm về khái niệm này thì chúng ta quay về lịch sử. Năm 1990 lương tối thiểu vùng là 22.500đ/tháng theo quyết định số 202-HĐBT, hệ số lương cao nhất là 10. Vậy một chuyên gia cao cấp ngày đó có thu nhập 225.000đ/tháng. Vậy nếu ngày đó chúng ta có trong tay 225 triệu đồng tức bằng thu nhập cả đời của một chuyên gia cao cấp. Tới năm 2024 thì con số đó nhảy lên gấp 222 lần thành 50 tỷ đồng. Như vậy số tiền ở một thời điểm có thể là giàu nhưng ở một thời điểm khác thì chưa chắc. Vậy ra, giàu không thể đo bằng một mốc cố định được.
Trong nền kinh tế thị trường thì lạm phát là không tránh khỏi và đó cũng là dấu hiệu của một nền kinh tế thị trường đang tăng trưởng. Nhà nước phải liên tục tăng cung tiền ra cho nền kinh tế theo tốc độ sản xuất ra giá trị thặng dư mới của đất nước hàng năm. Việc tăng cung tiền không làm tăng hay giảm số lượng giá trị thặng dư mới của đất nước. Việc nhà nước tăng cung tiền cho một tổ chức hay cá nhân nào đó (thông qua trả lương, trả công cho một sản phẩm, dịch vụ gì đó họ làm cho nhà nước, hoặc thậm chí là phát miễn phí...) chính là cách mà nhà nước phân phối tài sản trong nền kinh tế, người nhận được nhiều tiền thì sẽ có thể mua được nhiều tài sản hơn người khác, và ngược lại. Nói cách khác người giàu là người được nhà nước phân phối nhiều tài sản hơn phần lớn những người khác, hay người giàu là người tạo ra nhiều giá trị cho nhà nước mà nhà nước sẵn sàng trả tiền cho các giá trị đó.
Với một nền kinh tế thị trường tự do, nơi người dân có thể buôn bán, trao đổi hàng hóa bằng tiện tệ thì giàu còn có thể đến từ việc họ cung cấp sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ được người khác sẵn sàng bỏ tiền ra mua lại (định giá theo quy luật cung cầu) với giá trị cao hơn chi phí sản xuất (có giá trị thặng dư).
Như vậy, tốt hơn hết có thể định nghĩa người giàu là người đang sở hữu hay được phân phối nhiều tài sản hơn trung bình của khu vực, vùng lãnh thổ cần so sánh. Vì vậy, để trở thành người giàu, cách một là chúng ta phải nhận được sự phân phối tài sản hơn trung bình từ nhà nước, hoặc cách hai là phải tạo ra nhiều giá trị thặng dư cho người khác trong xã hội để trao đổi, thâu tóm được tài sản từ người khác trong xã hội. Đối với cá nhân thì cách một có vẻ khó vì những giới hạn chặt chẽ về lương thưởng của cán bộ nhà nước, nhưng đối với cách hai thì không có giới hạn tùy vào khả năng tạo ra giá trị thặng dư của mỗi con người. Đối với tổ chức, doanh nghiệp thì cả cách một lẫn cách hai đều khả thi.
Tóm lại, để giàu thì mình phải có khả năng tạo ra giá trị thặng dư lớn mà xã hội cần, để thâu tóm tài sản từ người khác trong xã hội. Chính vì thế, liệu có ai có thể dạy người khác làm giàu được không? Có lý do nào để một cá nhân hay tổ chức có thể chia sẻ ý tưởng có thể tạo ra giá trị thặng dư để thâu tóm tài sản của người khác (bao gồm cả chính mình). Câu trả lời là có nhé! Có những đơn vị, cá nhân sẵn sàng chia sẽ kiến thức, kỹ năng để tạo ra giá trị thặng dư đủ để thâu tóm phần lớn tài sản trong xã hội, đổi lại họ sẽ nhận lại được một phần lợi ích từ kết quả đạt được, và thường là theo tỷ lệ. Đây cũng là cơ sở nền tảng cho những mô hình doanh nghiệp nhiều cổ đông, một sản phẩm có lịch sử rất thành công của mô hình kinh tế tư bản. Có nhiều doanh nhân sẵn sàng chia sẻ cho bạn ý tưởng, thậm chí là vốn, kinh nghiệm, nguồn lực của họ để đổi lại là thời gian, khả năng vận hành của bạn và dĩ nhiên là thành quả của bạn.
Vậy, có thể dạy làm giàu bằng mô hình mua đứt bán đoạn trong một vài khóa học, với chi phí khóa học làm giàu cực kỳ dễ tiếp cận cho đại đa số người dân? Nếu đại đa số người dân đều giàu thì thực ra là không có ai giàu cả, tài sản của xã hội đang được phân bổ đồng đều, một xã hội trong mơ của các mô hình nhà nước xã hội hay cộng sản.
Thu nhập bao nhiêu là giàu ở Việt Nam năm 2020?
Như vậy nếu ở năm 2020, nếu bạn đang có mức thu nhập 40 triệu VNĐ mỗi tháng là bạn đang nằm trong top 7% người có thu nhập cao nhất cả nước. Dĩ nhiên đó là so với cả nước nhé, còn nếu bạn chỉ so sánh với người dân thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội thì để vào top 7% sẽ cần sự cố gắng hơn nhiều. Còn nếu bạn đang so sánh với bạn bè đồng trang lứa của mình thì còn phải xem bạn bè bạn đang ở đâu trong xã hội này.
Dạy làm giàu có phải lừa đảo?
Không hẳn, có điều khóa học thực ra đang đào tạo về một kỹ năng nào đó, có thể là một công việc có thể lao động tạo ra thu nhập, hoặc một mô hình kinh doanh nào đó có thể tạo ra thu nhập, hoặc thậm chí là một lớp học dạy về tư duy, sự cần cù, sự cố gắng. Thủ thuật đánh tráo khái niệm về đào tạo kỹ năng thành lớp học làm giàu chỉ nhằm đánh vào tâm lý sợ bị bỏ lại (FOMO) của người học, nếu học kỹ năng nào đó có thể làm giàu thì thật ra bất cứ trường trung cấp hay đại học nào ở Việt Nam này cũng đều đang dạy làm giàu. Và nếu khóa học được xây dựng với một chi phí đầu tư hợp lý, dễ dàng cho người học như thời gian học ngắn, học phí dễ tiếp cận cho đại đa số người học thì chắc chắn rằng lớp học làm giàu thực chất chỉ là chiêu trò đánh tráo khái niệm. Giống như phần giải thích ở đầu bài, lớp học càng dễ tiếp cận, càng có nhiều khóa học, càng đào tạo được nhiều người giàu thì đơn giản là phân bổ tài sản trong xã hội sẽ lại cân bằng. Để giàu được thực sự, bạn cần tạo ra giá trị thặng dư mà rất nhiều người khác cần, và nó phải nhiều hơn là tổng giá trị thặng dư mà bạn cần từ người khác.
Tìm kiếm cơ hội làm giàu ở đâu?
Hãy đặt ra mục tiêu để tạo động lực, tìm kiếm ra những hình mẫu con người mà bạn muốn đạt được như họ ngoài thực tế, và tốt nhất là xung quanh bạn. Hãy tìm cơ hội để nói chuyện với họ nhiều hơn, hãy kết bạn một cách chân thành với họ, hãy đặt những câu hỏi thẳng vào vấn đề, lắng nghe cả kinh nghiệm thành công lẫn thất bại, ghi nhớ thật kỹ những kinh nghiệm thất bại và thể hiện cho họ thấy sự cầu thị, trân trọng, biết ơn. Một người trong top 2% sẽ có thể giúp bạn đạt tới top 4%, một người trong top 4% có thể giúp bạn đạt tới top 8%. Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, chính những doanh nhân, những người đã và đang vận hành những mô hình doanh nghiệp nhiều cổ đông chính là những người hiểu rõ và có thể chia sẽ được sự thành công cho người khác để cùng đạt được lợi ích cho bản thân mình.
Và hơn hết, đừng đăng ký các khóa học mang tên dạy làm giàu, hãy đăng ký các khóa học, chương trình học dài hạn ở các môi trường có nhiều người đã hoặc đang giàu hoặc sẽ giàu thì càng hay. Môi trường sẽ tạo cho bạn cơ hội để kết bạn, trao đổi với những con người có ý chí, động lực làm giàu và hơn hết, biết đâu đó chính là những cộng sự của bạn sau này.