Giá lên vẫn có thể lên tiếp, giá xuống vẫn có thể xuống tiếp cho tới khi về giá trị bằng không.
Sai lầm khi nghĩ cứ giá xuống thì mua, giá lên thì bán?
Nhiều nhà đầu tư hay nhà đầu cơ mới bước vào thị trường hoặc đang tập tành quan sát thị trường cứ nghĩ đơn giản ràng đầu tư chứng khoán là cứ thấy giá xuống thì mua vào, còn giá lên thì bán ra. Nhưng thực tế thì giá xuống thì vẫn có thể xuống tiếp nữa hay xuống sâu tới mất hết giá trị. Giá lên thì vẫn có thể còn lên hơn nữa. Việc suy nghĩ rằng giá sẽ tăng hay giảm phụ thuộc vào các pha tăng giảm liền trước là sai lầm cơ bản. Đơn giản, có thể thấy rằng mệnh giá của một cổ phiếu ở Việt Nam là 10.000đ (tức giá bắt đầu khi phát hành ra thị trường thường là 10.000đ), nếu thị giá của cổ phiếu cứ lên rồi sẽ giảm (hoặc ngược lại) thì tất cả cổ phiếu của thị trường chứng khoán Việt Nam này đều dao động quanh 10.000đ chứ không có những cổ phiếu trị giá hàng trăm nghìn đồng hay những cổ phiếu giá chỉ bằng ly trà đá.
Có nhiều diễn dàn hay hội nhóm thường trao đổi rằng không bao giờ mua cổ phiểu đã tăng quá 30% hay 40%, vì nó đã tăng quá nhiều rồi thì nó sẽ giảm. Nếu thực sự có nguyên tắc đó thì sẽ không bao giờ có những mã cổ phiếu có thị giá tăng hơn 100% giá trị được, mà thực tế thì rât nhiều mã cứ tăng đều trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp mà hiếm khi nào giảm mạnh như FPT, BMP, WCS... những nhịp điều chỉnh nhỏ do tâm lý chốt lời thường cũng sẽ được điều chỉnh tăng trở lại về giá trị thực của doanh nghiệp.
Chiến lược đúng để đưa ra quyết định mua hay bán là gì?
Nhà đầu tư huyền thoại Warrent Buffett có sở thích đầu tư vào những công ty tốt nhưng có thị giá thấp. Còn Charlie Munger (người đứng sau của những quyết định đầu tư thành công của Bershire Hathaway) thì thích những công ty tuyệt vời với thị giá hợp lý. Nghe thì có vẻ đây là hai chiến lược khác nhau, nhưng thực ra cả hai đều có một điểm chung, đó là mua vào khi thị giá của doanh nghiệp đang thấp hơn định giá. Hay hiểu ngược lại, họ sẽ bán khi thị giá doanh nghiệp cao hơn định giá. Như vậy mấu chốt của các nhà đầu tư huyền thoại này là cách họ định giá doanh nghiệp và chọn thời điểm mua vào có lãi.
Khi áp dụng rộng ra với các loại tài sản khác, nếu bạn mua được một tài sản với giá rẻ hơn giá trị thực của tài sản thì là bạn đang lãi rồi! Còn nếu bán đc với giá cao hơn giá trị thực thì dĩ nhiên là lãi chồng thêm lãi. Quan điểm của Buffett chính là khi mua được tài sản với giá rẻ hơn giá trị thực thì theo thời gian, thị trường sẽ điều chỉnh và định giá lại đúng với giá trị thực của doanh nghiệp và đó là lúc ông kiếm được lợi nhuận.
Đầu tư thực chất là bài toán định giá
Không chỉ chứng khoán, bất cứ tài sản nào cũng vậy, từ bất động sản tới ngoại tệ tới crypto hay tài sản trí tuệ... Một nhà đầu tư họ sẽ kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá mua và bán ra. Nhưng rủi ro sẽ cao hơn nhiều nếu phải định giá cho tương lai chưa xảy ra, tức kỳ vọng giá trị tương lai sẽ tăng để bán ra có lãi. Một nhà đầu tư thông minh thường sẽ kiếm được lợi nhuận khi mua, tức kỳ vọng mua rẻ chứ không kỳ vọng bắt mắc. Hay nói cách khác, nhà đầu tư thông minh tìm kiếm lợi nhuận khi mua tài sản với giá chiết khấu cao. KIẾM LÃI KHI MUA, CHỨ KHÔNG PHẢI KIẾM LÃI KHI BÁN.
Làm thế nào để định giá doanh nghiệp?
Đây là câu hỏi mà nhà đầu tư nào cũng phải trải qua và phải học tập liên tục cả đời để theo kịp sự thay đổi của thị trường, của mô hình kinh doanh mới và của các phương pháp định giá mới. Phạm vi của bài chia sẻ này không thể giải đáp hết các phương pháp định giá doanh nghiệp được nên chỉ điểm qua một vài phương pháp đơn giản.
P/E (Price/Earn)
Cơ bản nhất đối với một nhà đầu tư tài chính (đầu tư tiền vì tiền lợi nhuận) thì doanh nghiệp được đầu tư phải tạo ra lợi nhuận đủ để nhà đầu tư thu hồi vốn sau một khoản thời gian, 5 năm hay 10 năm hay 20 năm. Cách định giá này thường sử dụng chỉ số P/E để biết sau bao nhiêu năm thì nhà đầu tư hòa vốn. Tuy nhiên, trong thực tế thì còn phải xét đến việc tiền lời doanh nghiệp kiếm được sẽ đi về đâu: trả cổ tức cho nhà đầu tư, hay tiền lời ở dạng nợ của một khách hàng nào đó, hay tiền lời phải tái đầu tư vào đâu đó (ví dụ của việc chia cổ tức bằng cổ phiếu). Hay phức tạp hơn, tiền lời của doanh nghiệp còn có thể tới từ các phù thủy tài chính như lãi do lỗ của công ty con (chuyển giá), lãi chênh lệch tỷ giá.
P/E là một chỉ số luôn cần có khi định giá bất một doanh nghiệp nào, nhưng đó không phải là điều kiện đủ để ra quyết định đầu tư. Chí ít thì khi đầu tư vào một doanh nghiệp có P/E = 10 thì bạn cũng biết được rằng nếu không có sự phát triển gì nổi bật, thì tối thiểu 10 năm sau bạn sẽ thu hồi vốn.
Tổng tài sản trừ tổng nợ
Giả định báo cáo cân đối tài khoản của doanh nghiệp là khách quan thì giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp sau nợ cũng chính là giá trị của doanh nghiệp. Ví dụ một doanh nghiệp có tài sản 10 tỷ và có nợ 1 tỷ, thì khi mua cổ phiếu của doanh nghiệp này bạn đang mua một tài sản trị giá 10-1=9 tỷ. Vậy nếu thị giá của cổ phiếu mà dưới 9 tỷ thì đây cũng có thể xem là một khoản đầu tư có lời. Lựa chọn phương pháp này còn phải đánh giá rủi ro thanh khoản của tài sản của doanh nghiệp. Nhiều loại tài sản phải thanh lý với giá chiết khấu cao mới có người mua, hoặc tệ hơn là không có ai mua.
P/B (Price/Booked value)
Tỷ lệ giữa thị giá và giá trị trên sổ sách kế toán của cổ phiếu đó cũng là một chỉ số đáng quan tâm. Chỉ số này không cho chúng ta biết được khả năng hoàn vốn hay sinh lợi từ số tiền đầu tư, nhưng nó cho chúng ta thấy được tỷ lệ chênh lệch giá chúng ta phải chấp nhận nếu muốn mua cổ phiếu này so với những nhà đầu tư sáng lập ban đầu của công ty. Đối với những công ty chưa tạo ra lợi nhuận thì việc cân đo số tiền góp vốn vào công ty là cơ sở để xác định giá trị doanh nghiệp, hay nói cách khác, một công ty có tổng vốn góp 1 tỷ đồng thì giá trị của công ty là 1 tỷ đồng.
Trường phái đầu tư kỹ thuật không quan tâm tới định giá doanh nghiệp
Đây là một điểm bất hợp lý của trường phái đầu tư kỹ thuật, các nhà đầu tư hay đầu cơ kỹ thuật sẵn sàng mua vào một tài sản với thị giá quá cao so với định giá miễn sao có các dấu hiệu kỹ thuật cho thấy giá sẽ tiếp tục tăng. Ngoài ra việc dự báo giá tăng hay giảm của trường phái đầu tư kỹ thuật hoàn toàn không dựa vào định giá của doanh nghiệp mà hoàn toàn dựa vào lịch sử thị giá của cổ phiếu đó.
Giữ tiền cũng là một cách đầu tư
Không phải chỉ khi dùng tiền mua chứng khoán mới là hoạt động đầu tư. Bên cạnh chứng khoán thì tiền cũng là một loại tài sản, chỉ khác là tài sản này có tính thanh khoản cực cao. Việc lựa chọn mua một cổ phiếu hay bán một cổ phiếu chính là lựa chọn giữa việc giữ cổ phiếu hay giữ tiền. Đưa ra quyết định đúng để giữ tài sản gia tăng tốt hơn hay trượt giá ít hơn chính là công việc thường xuyên của một nhà đầu tư tài chính. Trong thực tế, nếu cẩn trọng, một nhà đầu tư phải luôn nghi ngờ quyết định của mình và luôn chừa cho mình một con đường lui, vì vậy, tốt nhất là không bao giờ phân bổ toàn bộ tài sản của mình vào một loại tài sản duy nhất mà phải cân đối giữa giữ bao nhiêu tiền và giữ bao nhiêu cổ phiếu. Trong một thị trường tăng trưởng, nhà đầu tư sẽ phân bổ tài sản nhiều cho chứng khoán và phân bổ ít cho tiền và ngược lại cho thị trường giảm, trong thị trường khó đoán, phân bổ một nữa cho chứng khoán và một nữa cho tiền mặt cũng là một lựa chọn hay để cân bằng giữa cơ hội và rủi ro. Dĩ nhiên, phạm vi bài viết này không bàn tới những loại tài sản khác ngoài tiền và chứng khoán.