Để hiểu được khái niệm này, trước tiên phải hiểu được kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải là một nền kinh tế thị trường, nơi mọi người có thể mua bán theo quy luật cung cầu (thuận mua vừa bán). Và để làm rõ hơn, chúng ta sẽ so sánh nó với nền kinh tế thị trường tự do thuần túy (không có yếu tố xã hội chủ nghĩa) và nền kinh tế xã hội chủ nghĩa thuần túy (phi thị trường).
Kinh tế thị trường thuần túy là gì?
Kinh tế thị trường thuần túy hay kinh tế thị trường tự do là nơi mà mọi người có thể tự do trao đổi hàng hóa, tự do trao đổi tiền tệ theo quy luật cung cầu của tự nhiên, mà ở đó, không có bất kỳ ai hay tổ chức hay nhà nước nào tác động vào thị trường. Kinh tế thị trường tự do được đặt nền móng bởi nhà kinh tế học nổi tiếng Adam Smith từ thế kỷ 18, nhằm tạo ra thể chế rõ ràng về một xã hội mà ở đó nhà nước bảo vệ quyền tự do sản xuất, trao đổi hàng hóa theo cung cầu. Thay thế cho những nền kinh tế phi thị trường trước đó mà có những cá nhân hay tổ chức sẽ đứng ra quyết định cách thức sản xuất hay phân phối tài sản trong xã hội.
Thực tế thì các nền kinh tế thị trường hiện đại ngày nay cũng chấp nhận sự tác động của nhà nước như một chủ thể sẽ điều tiết và bảo vệ nền kinh tế khỏi các tác nhân xấu của nền kinh tế tự do thuần túy như: cạnh tranh không lành mạnh, độc quyền, phân hóa giàu nghèo, khủng hoảng kinh tế thừa/thiếu hàng hóa...
Nền kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa thuần túy sẽ như thế nào?
XHCN thuần túy (phân biệt với XHCN hiện đại) vốn là một nền kinh tế phi thị trường, mà ở đó hoàn toàn không có tư hữu mà chỉ có công hữu về tư liệu sản xuất tức tất cả các doanh nghiệp sản xuất là đều thuộc nhà nước và tất cả mọi thành phần trong xã hội sẽ đi làm việc cho nhà nước chứ không được sở hữu doanh nghiệp hay tài sản của doanh nghiệp. Trong lý thuyết về XHCN hay Chủ Nghĩa Cộng Sản thì giai cấp tư sản (tức những người chủ doanh nghiệp) phải được xóa bỏ. Lý thuyết này là cơ sở của cải cách đất đai ở miền Bắc vào thập niên 1950, ở đó, nhà nước quốc hữu hóa tất cả tài sản tư hữu là ruộng đất và chia đều lại cho người dân sử dụng (không phải đất mà là quyền sử dụng) để canh tác và thành quả canh tác cũng thuộc về nhà nước, tức sở hữu chung toàn dân. Nền tảng của nền kinh tế XHCN này được xây dựng từ học thuyết Marx và các luận điểm của Lenin mà ở đó tất cả mọi người trong xã hội đều sống phi vị kỷ, luôn lao động tự giác vì tập thể.
Phân biệt với XHCN hiện đại là vì từ những năm 1980, các nhà điều hành của Việt Nam đã nhận thấy những sự bất hợp lý trong nền kinh tế hoàn toàn phi thị trường (sản xuất trì trệ, sự tự giác, sáng tạo của người lao động giảm sút...). Các nhà lập pháp của Việt Nam đã sáng tạo kết hợp các nguyên lý của Marx và Lenin với các quy luật của kinh tế thị trường để xây dựng nên nền kinh tế ngày nay mà truyền thông vẫn thường gọi là "nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam
Những người không thích mô hình kinh tế của Việt Nam thường gọi đây là nền kinh tế con lai giữa kinh tế tư bản và kinh tế cộng sản, còn những người ủng hộ nền kinh tế này thì đánh giá đây là một bước tiến vĩ đại nơi mà Việt Nam (kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa) và Trung Quốc (kinh tế thị trường với đặc sắc Trung Hoa) đã khẳng định mình bằng tốc độ tăng trưởng thần tốc, liên tục trong thế kỷ 20, 21 và vượt qua các chu kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới mà các nền kinh tế tự do thuần túy rất vất vả để thoát ra được.
Dễ thấy hiện tại ở Việt Nam có nhiều thành phần tham gia nền kinh tế. Theo dòng lịch sử thì trước năm 1990 ở Việt Nam chủ yếu là nền kinh tế nhà nước quản lý tất cả, các doanh nghiệp hoạt động đều là doanh nghiệp nhà nước. Kể từ sau năm 1990, khi chính phủ Việt Nam bắt đầu thử nghiệm các cơ chế để kinh tế tư nhân phát triển, trong đó nhà nước cung cấp công cụ để doanh nghiệp tư nhân sử dụng (thuế, an ninh, ngân hàng, hạ tầng...) và tự do kinh doanh, tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân ngoài nhà nước như Vinaxuki, Trường Hải, Hòa Phát... là điển hình cho kinh tế tư nhân. Tới năm 2020 thì dưới các áp lực toàn cầu hóa và tự do hóa nhiều hơn cho nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã bắt đầu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước dần dần khỏi doanh nghiệp theo cơ chế cổ phần. Hiện nay, các doanh nghiệp có thể hoạt động theo hình thức tư nhân sở hữu 100%, nhà nước sở hữu 100% hoặc là công ty cổ phần có sở hữu của cả nhà nước lẫn tư nhân mà đại diện nhà nước thường là Ủy ban quản lý vốn nhà nước (SCIC) hoặc các bộ ngành. Như vậy, quyền sở hữu ở Việt Nam khá đa dạng, có thể chủ sở hữu là nhà nước, có thể là tư nhân hoặc kết hợp, tuy nhiên, nền kinh tế của Việt Nam không tự do hoàn toàn thể hiện ở nhà nước vẫn độc quyền quản lý những ngành thiết yếu, ảnh hưởng tới an ninh của quốc gia như quốc phòng, điện, xăng dầu, báo chí, truyền hình... Chính vì thế, người ta xem nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một sự kết hợp giữa việc tư nhân tự do kinh doanh ở các lĩnh vực không rủi ro cho đất nước, còn nhà nước quản lý, điều tiết và kinh doanh ở những lĩnh vực ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
Nhiều người vẫn lập luận rằng mặc dù tốc độ tăng trưởng dương đều đặn là những điểm tích cực của nền kinh tế nữa tự do nữa quản lý tập trung bởi nhà nước, nhưng nền kinh tế dẫn đầu thế giới về GPD hiện tại vẫn là nền kinh tế tư bản Mỹ. Không thể phủ nhận xét về khía cạnh kinh tế thì Mỹ vẫn là thế lực khó bị lung lay trong thế kỷ này, nhưng xét về nhiều tố thì nhiều người cho rằng vai trò của nền kinh tế tự do bị đẩy lên quá cao ở Mỹ đã dẫn đến một nền chính trị tiền bạc, ở đó, các chính trị gia ngoài hoạt động vì các giá trị của xã hội, họ còn phải làm những nghiệp vụ như một tổ chức kinh tế như kêu gọi vốn để chạy đua tranh cử, hoặc các doanh nghiệp tài trợ chính trị để vận động hành lang nhằm thay đổi các chính sách của pháp luật theo hướng có lợi cho mình. Chính vai trò cao của nền kinh tế tự do đã tạo ra không gian sáng tạo vô hạn cho các doanh nghiệp có nguồn lực kinh tế mạnh ở Mỹ, ngoài sáng tạo ra sản phẩm, họ có thể tác động mạnh để thay đổi pháp luật, điều mà rất khó xảy ra ở Việt Nam hay Trung Quốc.
Khiếm khuyết của các mô hình kinh tế
Kinh tế tự do dễ nhạy cảm với khủng hoảng kinh tế
Một trong những khiếm khuyết của kinh tế thị trường tự do hay kinh tế tư bản chính là khủng hoảng kinh tế thị trường, thứ được hình thành từ sự vị kỷ của mỗi cá nhân để làm đầy tài sản của bản thân.
Năm 2008-2010 thị trường tài chính ở Mỹ làm khơi nguồn khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ việc các ngân hàng đẩy mạnh cho vay dưới chuẩn để người dân đầu tư bất động sản. Thời kỳ mà giá bất động sản tăng chóng mặt 14%/năm thì các tổ chức tài chính sẵn sàng cho bất kỳ ai vay tiền để mua bất động sản với lãi suất chỉ 8%/năm, với lập luận rằng người vay sẽ có thể kiếm lời từ việc bán bất động sản sau này để thanh toán lãi khoản vay, nhưng bất cứ khi nào khi giá bất động sản thế chấp cho khoản vay không còn đủ giá trị bảo lãnh khoản vay thì tổ chức tài chính sẽ được quyền thanh lý bất động sản đó để trả nợ khoản vay. Xét về khía cạnh tự do kinh doanh thì cả ngân hàng lẫn người mua đều đang thuận mua vừa bán với nhau mà nhà nước không cần can thiệp. Nhưng điều gì đến cũng phải đến, tất cả tiền dư thừa của đất nước đều đổ vào bất động sản, giai đoạn 2006-2009, khủng hoảng bất động sản diễn ra, giá bất động sản không còn tăng đủ để bảo lãnh các khoản vay của người mua nữa, thanh khoản thị trường xuống thấp tới mức các ngân hàng có thanh lý lỗ tài sản của người vay cũng không thể bù đắp được khoản vay nợ tài chính. Việc đó đã dẫn tới sụp đỗ theo dây chuyền do người vay không thể trả nợ ngân hàng, ngân hàng không thể thanh lý tài sản để thu hồi tiền, ngân hàng không có tiền trả người gửi. Học tập từ thất bại này, nhà nước ở các nước đã can thiệp để thị trường tài chính ít tự do hơn, trong đó ngân hàng hay tổ chức tài chính phải thẩm định khả năng trả nợ của người vay bằng nguồn thu nhập không tới từ chính tài sản thế chấp, hay các quy định về giới hạn hạn mức vay...
Kinh tế tập trung công hữu cũng nhạy cảm với lòng vị kỷ
Năm 2005 trên Báo Tuổi Trẻ trong loạt bài "Đêm trước đổi mới" có câu chuyện "Đổ than" của tác giả Xuân Trung và Quang Thiên. Năm 1979, một đơn vị ở Việt Nam nhận được nhiệm vụ khai thác than theo chỉ tiêu kế hoạch được giao mà không có những am hiểu về lợi ích kinh tế của công việc (ví dụ lợi nhuận của doanh nghiệp). Nỗi ám ảnh việc không đạt chỉ tiêu số lượng than khai thác có thể đe dọa số phận chính trị của tập thể công ty, ảnh hưởng đến đồng lương của cán bộ công nhân và danh hiệu thi đua của đơn vị. Ban lãnh đạo công ty đã quyết định miệt mài khai thác than cho đủ số lượng chỉ tiêu, nhưng vì nguồn cung vượt xa nhu cầu sử dụng, nên khi không còn đủ kho chứa, ban lãnh đạo công ty đã quyết định đem đổ than khai thác dư thừa xuống vực, xuống hồ, xuống hang.
Thời điểm khoảng năm 60-70 thế kỷ 20, nông thôn miền Bắc đã làm theo triệt để lý thuyết của chủ nghĩa Marx Lenin bằng mô hình Hợp Tác Xã (HTX) trong đó tất cả ruộng lúa là của chung, mỗi người nông dân tham gia HTX có trách nhiệm hoàn thành công việc được giao, còn thu hoạch được lúa thì là tài sản chung, sẽ được nhà nước phân chia lại sau. Hình thức hợp tác gọi là khoán việc lúc đó đã dẫn tới những tiêu cực "rong công, phóng điểm, làm ăn gian dối" trong HTX, nông dân không còn thiết tha vì "xã viên không coi ruộng đất là của mình nên họ chẳng thiết tha gì với đồng ruộng, phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình" (Kim Ngọc 1917-1979). Sản xuất nông nghiệp thời điểm đó trở nên trì trệ, tình trạng thiếu lương thực trầm trọng đến mức Việt Nam phải nhập khẩu lương thực. Lúc đó đã có người đề xuất mô hình "khoán hộ" tức mỗi hộ sẽ được giao một mảnh đất để canh tác và sau khi thu hoạch thì phải trả lại cho HTX một lượng lúa được khoán, còn phần thừa thì người nông dân sẽ được hưởng. Tiếc rằng lúc đó mô hình này không nhận được hoàn toàn sự ủng hộ vì nhiều người bất đồng quan điểm xem đó là đưa nông nghiệp trở về con đường tư hữu, thà đói còn hơn làm sai nguyên lý của Marx Lenin (tham khảo dantri.com.vn).
Kinh tế thị trường hiện đại
Các nhà lập pháp ở các quốc gia luôn liên tục học hỏi từ những thất bại trong quá khứ và đưa ra các chính sách, mô hình mới để cải thiện nền kinh tế của quốc gia mình. Các nền kinh tế học hỏi những yếu tố tốt đẹp của các nền kinh tế khác và hòa trộn vào của mình. Chính quá trình đó đã tạo ra các nền kinh tế như hiện tại, các nên kinh tế xây dựng dựa trên những cơ sở lý luận khác nhau nhưng ngày càng nhiều điểm giống nhau. Ví dụ như Mỹ cũng phải hạn chế tự do kinh doanh để chống độc quyền, chống khủng hoảng nợ, chống đầu cơ thổi giá bất động sản... Việt Nam hiện tại cũng rất khác so với một nền kinh tế tập trung, ở đây có sự điều tiết của nhà nước trong việc lựa chọn cái gì nhà nước quản lý, cái gì được tự do kinh doanh, việc đó đã tạo nên một nền kinh tế thị trường mới mà mọi người vẫn hay gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tham khảo
- Huỳnh Thế Du (2013) Luận giải về kinh tế Việt Nam.
- Adam Smith (1776) Sự giàu có của các quốc gia.
- Xuân Trung, Quang Thiên (2005) Đổ than - Đêm trước đổi mới - Báo Tuổi Trẻ.