Hiểu đúng đầu tư kỹ thuật và đầu tư giá trị để lựa chọn trường phái trong đầu tư chứng khoán

Hiểu đúng đầu tư kỹ thuật và đầu tư giá trị để lựa chọn trường phái trong đầu tư chứng khoán

Tuyên bố từ chối trách nhiệm (disclaimer): tác giả là nhà đầu tư giá trị có áp dụng đầu tư kỹ thuật. Bài viết có thể sử dụng từ ngữ thiên về đề cao đầu tư giá trị nhưng mục đích là đưa ra góc nhìn chung và so sánh khách quan.

Sơ lược về thị trường chứng khoán, vì sao gọi đầu tư chứng khoán là đầu tư rủi ro?

Bản chất của chứng khoán trong nền kinh tế thị trường là một công cụ huy động vốn của các doanh nghiệp, các tổ chức có khả năng sử dụng tiền để tạo ra lợi nhuận.

Tuy nhiên, chứng khoán không phải là kênh huy động vốn duy nhất trong một nền kinh tế thị trường. Một doanh nghiệp có thể lựa chọn huy động vốn nội bộ (lãi thấp), vay ngân hàng (lãi vừa phải), vay tổ chức tín dụng (lãi hơi cao), phát hành trái phiếu (lãi suất thường cao)... cho tới đi vay nóng bên ngoài (lãi suất siêu cao). Vậy khi nào thì doanh nghiệp lựa chọn kênh chứng khoán để huy động vốn? Khác với các kênh huy động vốn vừa nêu thì vốn huy động từ thị trường chứng khoán là khó nhất, doanh nghiệp cần phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe để được niêm yết trên sàn chứng khoán, đối với sàn lớn như HOSE thì điều kiện còn nghiêm ngặt hơn, phải báo cáo tài chính hàng quý, kiểm toán hàng quý, giải trình các biến động bất thường, không được có nợ quá hạn 1 năm...

Vậy động lực đâu để một doanh nghiệp muốn niêm yết và huy động vốn từ thị trường chứng khoán? Thứ nhất, vốn huy động từ chứng khoán không phải cam kết lãi suất, lãi thì chia lỗ thì chịu chung. Tiền huy động từ chứng khoán không bị giới hạn mục đích sử dụng như vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu. Như vậy rõ ràng trách nhiệm của doanh nghiệp với tiền huy động từ chứng khoán (từ cổ đông) sẽ thấp hơn nhiều so với các nguồn huy động khác, nhưng để huy động được sẽ tốn nhiều công sức hơn rất nhiều. Chính vì vậy, đối với các dự án rõ ràng về lợi nhuận, có tài sản đảm bảo tốt như bất động sản, hàng hóa, nguyên vật liệu thì doanh nghiệp sẽ ưu tiên nguồn vốn huy động nội bộ và vốn ngân hàng, còn lại các dự án khó gọi vốn, nguồn vốn chưa có mục đích rõ ràng hay khó rõ ràng hay mục đích quá chung chung (như phát triển doanh nghiệp, cứu doanh nghiệp...) hay mục đích không thể vay tổ chức tín dụng (trả nợ người khác, cho cổ đông thoái vốn...) thì doanh nghiệp mới cần gọi vốn từ thị trường chứng khoán.

Tóm lại, chứng khoán là kênh huy động gần như cuối cùng trong sự lựa chọn của một doanh nghiệp. Nếu không phải huy động vốn công chúng, rất ít doanh nghiệp lựa chọn niêm yết (ở đây bài viết không bàn đến mục đích thoái vốn, làm hình ảnh doanh nghiệp hay các mục đích cao cả để phát triển đất nước từ các doanh nghiệp quốc doanh).

Giá trị đầu tư và giá trị đầu cơ

Một cổ phiếu cầm trên tay (ngày nay ít ai cầm được cổ phiếu hay sổ cổ đông trên tay) sẽ phản ánh tới 3 giá trị: mệnh giá cổ phiếu, giá trị trong sổ sách (booked value) và thị giá (giá giao dịch trên thị trường). Nếu bạn đã từng tham gia quy trình phát hành cổ phiếu cho cổ đông chắc chắn bạn sẽ hiểu rõ các giá trị này. Thật may mắn là ở Việt Nam tất cả cổ phiếu đều có mệnh giá là 10.000 VNĐ, đó xem như là giá trị khởi điểm của một cổ phiếu khi lần đầu được phát hành. Giá trị sổ sách chính là giá cổ phiểu thay đổi theo thời gian thông qua các quá trình lãi/lỗ kinh doanh nhập vốn, chia cổ tức... và đây chính là giá trị thật sự mà doanh nghiệp nhận được khi bạn cầm một cổ phiếu trên tay, giá trị có thể lớn hơn mệnh giá (nếu doanh nghiệp kinh doanh có lãi) hoặc thấp hơn (nếu doanh nghiệp lỗ). Thị giá là giá trị quen thuộc nhất với mọi nhà đầu tư, trong thực tế thị trường, thị giá thường cao hơn giá trị sổ sách, thậm chí là gấp nhiều lần. Nhà đầu tư phải trả một khoản chênh lệch giữa thị giá và giá trị sổ sách cho người bán để được sở hữu cổ phiếu, phần chênh lệch này sẽ không tới được doanh nghiệp để tái sản xuất hay đầu tư, mà đây chính là phần giá trị thặng dư dôi ra dành cho những người bán trung gian, hay có cách gọi khác đây là phần giá trị do đầu cơ cổ phiếu mà có được.

Một người đầu tư giá trị sẽ kỳ vọng kiếm lợi nhuận từ giá trị sổ sách của cổ phiếu, tức doanh nghiệp hoạt động tốt, sinh ra lợi nhuận và giá trị sổ sách tăng. Ngược lại với đầu tư giá trị, nhà đầu cơ không quan tâm nhiều tới giá trị sổ sách mà họ kỳ vọng kiếm lợi nhuận từ phần giá trị đầu cơ của cổ phiếu, tức bán được thị giá cao hơn thị giá mua. Vì giá trị sổ sách phản ánh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo chu kỳ, nhanh nhất cũng phải mỗi quý tức mỗi ba tháng mới có cập nhật. Chính vì vậy, tất cả những khoản đầu tư chứng khoán với thời gian nắm giữ dưới 3 tháng đều có nguy cơ cao là đầu cơ cổ phiếu, và thực tế các nhà đầu tư kỹ thuật có chu kỳ nắm giữ rất ngắn, thậm chí tính bằng ngày, với khoảng thời gian này thì giá trị sổ sách của cổ phiếu không đủ thời gian để phát triển. Cho nên ranh giới giữa đầu tư kỹ thuật và đầu cơ cổ phiếu gần như là không có.

Đúng và sai giữa đầu tư kỹ thuật và đầu tư giá trị

Thoạt nhìn thì thấy đầu tư kỹ thuật có vẻ phức tạp với số lượng thuật ngữ khó hiểu và các công thức toán học, xác xuất thống kê từ căn bản tới cao cấp đều có xuất hiện, các tỷ lệ vàng trong toán học hay đạo hàm của giá trị hay phương sai của hàm giá trị hay giá trị kỳ vọng... Những khái niệm nghe có vẻ cao siêu, nhưng đối với một sinh viên đại học đã qua các lớp học về toán cao cấp và xác xuất thống kê (dĩ nhiên là phải học hành đàng hoàng) thì đây chỉ là những khái niệm cơ bản, quen thuộc sử dụng hàng ngày. Chính vì vậy, trong lớp xác xuất thống kê của tôi ngày trước, mọi người luôn đùa nhau "nếu hiểu thực sự về xác xuất thống kê thì sẽ không mua vé số".

Thực tế thì chỉ có đầu tư kỹ thuật mới có thể được đào tạo ngắn hạn, trong một hai tháng hay thậm chí là một vài tuần, hoặc thậm chí là vừa học vừa thực hành. Còn đối với đầu tư giá trị thì nhà đầu tư phải làm quen với vô số các khái niệm, các chỉ số, các phương pháp định giá doanh nghiệp, tệ nhất là mỗi phương pháp, mỗi chỉ số lại chỉ có thể ứng dụng trong những hoàn cảnh nhất định, ở những thị trường có đặc tính nhất định, hay những ngành nghề nhất định. Ví dụ như Tiki thì lại được định giá bằng GMV (Gross Merchandise Volume) chứ không phải P/E (Price/Earned value) hay P/B (Price/Booked value), hay có những ngành nhà đầu tư sẵn sàng với giá trị P/E từ 10-20, nhưng nhiều ngành thì P/E chỉ 1-5 là hợp lý. Tệ nhất là có những mô hình doanh nghiệp cấp tiến, đột phá ra đời dẫn tới các phương pháp định giá mới hay các chỉ số mới. Như Warrent Buffet phản đối rất nhiều về cách định giá doanh nghiệp sử dụng P/EBITDA, nhưng chí ít thì nếu sử dụng đúng cách, so sánh P/E và P/EBITDA cũng giúp chúng ta biết được liệu công ty có tiềm năng sinh lời trong tương lai bằng cách giảm bớt chi phí tài chính hay không.

Tóm lại, ở phần này, tôi muốn chia sẻ một góc nhìn về độ phức tạp của cả hai phương pháp đầu từ. Và dĩ nhiên, các quỹ đầu tư, quỹ quản lý tài sản thường chỉ tuyển các nhà đầu tư giá trị. Học tập và tốt nghiệp được để trở thành nhà đầu tư giá trị thường đòi hỏi thời gian tương đương một chương trình đại học, mà ở đó mọi người cũng sẽ được dạy về đầu tư kỹ thuật trong một hai môn học.

Đầu tư kỹ thuật có lãi không?

Câu trả lời là có, nhưng dĩ nhiên cũng có lỗ. Nếu câu hỏi là đầu tư kỹ thuật có bền vững hay không thì câu trả lời sẽ là "không", trừ phi nhà đầu tư có được một lợi thế không công bằng (unfair advantage) so với số đông các nhà đầu tư khác. Quay lại các giá trị trong một cổ phiếu thì nếu nhà đầu tư ngắn hạn đang cố gắng kiếm lợi nhuận từ phần giá trị đầu cơ của cổ phiếu, tức kiếm lợi nhuận từ người mua sau mình bằng cách đẩy thị giá nhưng không tạo ra thêm giá trị thặng dư, thì thực ra, bạn đang kiếm lời bằng cách lấy bớt lãi từ một nhà đầu tư khác, hoặc thậm chí làm lỗ nhà đầu tư khác để kiếm lãi cho bản thân.

Chính vì bản chất không tạo thêm giá trị thặng dư cho xã hội, kiếm lợi bằng cách làm lỗ người khác mà phương pháp đầu từ này hay bị so sánh với cờ bạc. Bạn muốn thắng thì phải có người thua cho bạn và ngược lại. Nhưng vẫn tốt hơn cờ bạc một ít là vẫn có một phần giá trị được tạo ra từ giá trị nội tại của mỗi cổ phiếu sẽ đến tay các doanh nghiệp đang cần vốn.

Đầu tư giá trị có lãi không?

Câu trả lời cũng là có, dĩ nhiên cũng sẽ có lỗ, nhưng lãi nếu có cũng rất khó để có thể vượt trội so với trung bình các kênh đầu tư khác. Hiện tại là năm 2024 và lãi suất ngân hàng trung bình đang khoảng 6%/năm, kỳ vọng lợi nhuận từ đầu tư giá trị từ 10-15%/năm là tốt. Nếu có những cơ hội đầu tư với lợi nhuận cao hơn, thị giá của cổ phiếu đó cũng sẽ nhanh chóng bị điều chỉnh theo quy luật cung cầu của thị trường để về tỷ suất lợi nhuận trung bình.

Có một lợi thế nho nhỏ cho nhà đầu tư giá trị là nếu may mắn, họ vẫn được hưởng lợi từ phần giá trị đầu cơ sinh ra như nhà đầu tư kỹ thuật. Nhưng đối với một nhà đầu tư giá trị, đây thường là lúc họ chọn tái cấu trúc danh mục bằng cách bán đi cổ phiếu bị định giá quá cao.

Cơ sở khoa học

Cơ sở khoa học của đầu tư kỹ thuật

Tất cả các lý thuyết, phương pháp xác định mốc, biểu đồ, lựa chọn thời gian trong đầu tư kỹ thuật đều không có một cơ sở khoa học chứng minh được, cũng như không đảm bảo được kết quả. Tuy nhiên, phần lớn các phương pháp đều dựa trên biểu đồ giá tham chiếu, hay nói cách khác là dựa trên lịch sử thị giá để đưa ra quyết định trong tương lai.

Ở một góc nhìn khác, việc lựa chọn thời điểm mua bán dựa trên lịch sử thị giá giống như một cuộc hẹn của các nhà đầu tư kỹ thuật. Các nhà đầu tư kỹ thuật hẹn với nhau rằng nếu thấy hình dáng biểu đồ đó xảy ra, thì hãy cùng nhau mua vào, bán ra tại điểm Fibonnaci này, hay tại mốc Bollinger Band kia. Chính xác rằng đó là một cuộc hẹn mà ai cũng có thể tham gia lịch hẹn được.

Cơ sở khoa học của đầu tư giá trị

Các phương pháp định giá, cách lựa chọn các trị số, chỉ số trong đầu tư giá trị cũng đến từ kinh nghiệm và cũng không có một cơ sở lý thuyết nền tảng luôn đúng cho kết quả đầu ra. Việc sử dụng lịch sử để dự đoán tương lai là một phương pháp tốt nhưng nó không luôn đúng. Tuy nhiên, cơ sở của việc định giá lại tới từ các đo đạc rất gần với bản chất kinh doanh của doanh nghiệp như doanh thu, lợi nhuận, nợ phải trả, nợ phải thu, giá trị tài sản hữu hình, tài sản vô hình...

Các nền tảng hay các lớp học ngắn hạn phổ cập đầu tư giá trị thường sẽ gợi ý học viên của mình sử dụng phương pháp mua trung bình giá (DCA - Dollar Cost Average), để giảm thiểu rủi ro mua phải đỉnh và bán phải đáy. Đây cũng là một biện pháp hay để tránh các rủi ro do giá trị đầu cơ của một cổ phiếu bị đẩy lên quá cao làm lỗ mất thành quả của quá trình đầu tư giá trị. Tuy nhiên, để phương pháp này đúng, thì danh mục đầu tư cũng phải là danh mục sẽ tăng trưởng về thị giá trong tương lai. Các nhà đầu tư có thể dự đoán một tầm nhìn vĩ mô là thị trường chứng khoán sẽ ngày một phát triển, số lượng tiền dư thừa đổ vào thị trường ngày một nhiều, các công ty niêm yết ngày một ăn nên làm ra để tạo ra thêm lợi nhuận, đó là điều kiện cần để DCA trở nên đúng. Nếu tầm nhìn vĩ mô đó không diễn ra thì DCA sẽ trở nên thất bại. Cho nên nếu nói là mua, bán trung bình giá là không có rủi ro thì đó cũng chỉ là một nữa của sự thật. Ở góc độ các nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ còn phải so sánh tầm nhìn vĩ mô này với các vấn đề vĩ mô khác như tỷ giá hối đoái, giá vàng... hay đơn giản là tỷ lệ lạm phát, giá bất động sản để đánh giá xem tăng trưởng theo trung bình của thị trường bằng đơn vị tiền tệ này là thành công hay thất bại. Ở các khóa đào tạo ngắn hạn thì thường chỉ cần có tăng ở đâu đó là thành công.

Biểu đồ giá tham chiếu có phản ảnh được đầy đủ thông tin thị giá không?

Nhức đầu nhất trong phương pháp biểu diễn giá trị cổ phiếu thì người ta lại sử dụng một loại giá trị khác, đó là giá tham chiếu. Tại sao lại là tham chiếu mà không phải là biểu đồ thị giá? Vì thực ra đó không phải là thị giá.

Công cụ biểu diễn phổ biến nhất hiện tại chắc là TradingView, các công ty chứng khoán ở Việt Nam cũng thường mua bản quyền phần mềm này để hiển thị biểu đồ giá tham chiếu. Bên trong biểu đồ này cũng cho người dùng lựa chọn là có điều chỉnh biểu đồ khi doanh nghiệp chia cổ tức hay không? Nếu không điều chỉnh thì tại các thời điểm chia cổ tức, biểu đồ sẽ bị sụt giảm mạnh, có thể tính bằng lần hoặc chục lần. Và biểu đồ không điều chỉnh sẽ bị mất thông tin về cổ tức, là phần tiền mà nhà đầu tư nhận được. Còn nếu biểu đồ điều chỉnh thì giá tham chiếu lịch sử của một cổ phiếu có thể âm luôn, nếu công ty hoạt động có lợi nhuận quá tốt thì giá tham chiếu trong lịch sử thậm chí trở thành mỗi người mua cổ phiếu còn được nhận thêm tiền chứ không tốn tiền mua. Biểu đồ điều chỉnh thì lại mất đi thông tin thị giá ở thời điểm trong quá khứ của cổ phiếu. Chính vì thế nhìn vào biểu đồ có vẻ như giá đang giảm nhưng thực tế thì không và ngược lại.

Biểu đồ cổ phiếu ngân hàng ACB không có điều chỉnh theo cổ tức
Biểu đồ cổ phiếu ngân hàng ACB có điều chỉnh theo cổ tức

Lựa chọn dùng biểu đồ nào giống như việc chúng ta lựa chọn chấp nhận mù thông tin nào vậy. Còn nếu dùng cả 2 mà kết hợp với một chỉ số kỹ thuật nào đó thì chúng ta lại có 2 mốc khác nhau. Trớ trêu thay thì các nền tảng dạy sử dụng các chỉ số kỹ thuật thường không cung cấp thông tin rằng chỉ số đó phù hợp với biểu đồ tham chiếu có điều chỉnh hay không? Thậm chí lựa chọn chu kỳ thể hiện biểu đồ nến cũng là hên xui và tùy ý.

Trách nhiệm của các công ty chứng khoán?

Nếu số lượng giao dịch chứng khoán lớn thì người được hưởng lợi lớn nhất chính là các công ty chứng khoán (phí giao dịch và phí lưu ký). Nếu đơn giản hóa được quá trình khởi đầu, đào tạo một nhà đầu tư chứng khoán mới trở nên đơn giản thì bên có lợi nhất cũng chính là các công ty chứng khoán. Không thể phủ nhận việc phổ cập đầu tư chứng khoán sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho phát triển kinh tế của đất nước, dòng tiền dư thừa trong xã hội sẽ đến trực tiếp doanh nghiệp mà không phải thông qua tổ chức tài chính trung gian, đó là điểm tốt của việc xuất hiện ngày càng nhiều các công ty chứng khoán. Nhưng việc cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán bằng cách khuyến khích nhà đầu tư tăng giao dịch, tăng sử dụng đòn bẫy, đơn giản hóa danh mục đầu tư hay thậm chí môi giới đầu tư chỉ tận tay, bấm dùm tận máy, những thứ đó có thể trở thành những cái bẫy chuột cho những nhà đầu tư tay ngang hay ít kinh nghiệm. Phải chăng, các công ty chứng khoán cũng đang góp vai trò trong việc phổ cập phương pháp đầu tư kỹ thuật? Có phải vì nó đơn giản, dễ bắt đầu và có vẻ như dễ sử dụng để đánh tráo khái niệm rằng nó khoa học?

Nhà đầu tư thông thái

Có một thực tế là các nhà đầu tư ở các quỹ đầu tư mà tôi từng gặp luôn kết hợp các phương pháp, họ không phân biệt giữa đầu tư giá trị hay đầu tư kỹ thuật. Đối với họ, trường phái kỹ thuật chỉ là một bộ chỉ số khác phản ánh các cuộc hẹn trên thị trường, những chỉ số tương tự như các chỉ số khác mà họ phải tính toán hàng ngày để định giá doanh nghiệp. Ở một góc nhìn về kỹ thuật, các chỉ số trong phương pháp kỹ thuật rất dễ tự động hóa bằng máy móc, bot, phần mềm tính toán, phải nói là dễ tính hơn nhiều bằng máy so với các bộ chỉ số trong đầu tư giá trị. Có phải vì thế mà phương pháp này gọi là đầu tư kỹ thuật? Thực tế, tôi thường thấy các nhà đầu tư giá trị vẫn dùng các chỉ số trong đầu tư kỹ thuật để chọn thời điểm mua bán có lợi nhất có thể cho họ trên nền các chỉ số phản ánh giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.

Ở thời đại công nghệ, nơi mà thông tin có ở khắp mọi nơi với chi phí rẻ mạt thì có lý do gì lại không tận dụng thông tin nhiều nhất có thể để mang lại lợi thế cho bản thân mình? Thông tin như một bức tường phòng thủ cho mỗi cá nhân trước những tác động của thị trường, người càng có nhiều thông tin, nắm được càng nhiều thông tin thì lưới phòng vệ thông tin của họ càng tốt, khả năng chắt lọc thông tin càng tốt, mang lại lợi thế cho họ trong những quyết định.

Kết luận

Với bài viết này, tôi hy vọng mọi người sẽ đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu nhiều hơn và đừng giới hạn mình ở một phương pháp hay trường phái đầu tư nào hết. Phải cẩn trọng với những phương pháp đầu tư mì ăn liền, hoặc những khóa học đầu tư siêu tốc dưới một hai tháng thì nên suy xét thật cẩn thận. Nếu nghiêm túc thì chúng ta có thể cố gắng hoàn thành một chương trình của SRTC (Trung tâm nghiên cứu khoa học & đào tạo thuộc Ủy ban chứng khoán nhà nước). Hơn hết, với góc nhìn cá nhân, chưa bao giờ tôi nghĩ rằng đã đầu tư giá trị thì không đầu tư kỹ thuật, rõ ràng đây không phải là hai trường phái phủ định lẫn nhau hay khắc chế nhau, mà ngược lại nó còn bổ sung cho nhau, thậm chí bao hàm nhau.

Read next

DMCA.com Protection Status