Có bao giờ bạn thắc mắc Facebook kiếm lợi nhuận để duy trì dịch vụ miễn phí bằng cách nào chưa? Khi chúng ta sử dụng Facebook với vai trò là người dùng miễn phí thì chúng ta có thiệt hại gì hay mất đi gì để kiếm được tiền cho Facebook không? Chúng ta có phải là khách hàng của Facebook hay không?
Nhu cầu thông tin, xã hội của con người
Con người là động vật có tổ chức xã hội, điều đó có được là nhờ các chất hormone (hóc-môn) xã hội được não tiết ra tạo khoái cảm. Thứ nhất là serotonine là hormone của sự tôn trọng, cảm kích, khi bạn nhận được một sự cảm kích từ người khác, não của bạn sẽ kích thích tiết ra serotonine làm cơ thể cảm thấy sảng khoái, thỏa mãn. Chính điều này là cơ sở cho tổ chức xã hội, nơi mà có những cá thể sẵn sàng tiên phong, đảm nhận trách nhiệm khó khăn, nguy hiểm để đạt được sự tôn trọng từ đồng loại. Thứ hai là oxytocine, hormone này sẽ được não tiết ra khi bạn cảm nhận được sự yêu thương, cảm nhận được sự đồng cảm, tình yêu thể xác. Để phân biệt giữa động vật có tổ chức xã hội và động vật không có tổ chức xã hội thì điển hình đó là loài cá sấu. Cá sấu là loài động vật không có hormone xã hội, không có tổ chức xã hội mà ở đó mỗi cá thể tự sinh tự diệt, giành giật lẫn nhau từng miếng ăn, vùng lãnh thổ mà không có sự hợp tác, phân chia trách nhiệm trong quần thể. Trong tổ chức của loài cá sấu chỉ có sự chiếm hữu cá nhân và nỗi sợ hãi làm cơ sở cho sự phát triển của loài. Dĩ nhiên con người cũng có sự ích kỷ và sự sợ hãi, đo là hai yếu tố giúp cá thể sống sót, nhưng bên cạnh đó yếu tố xã hội giúp con người biết cho đi, biết hy sinh cho đồng loại, biết đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân.
Con người còn là động vật có trí nhớ, có khả năng sắp xếp thông tin và lưu trữ những thông tin quan trọng, nhất là những thông tin tiêu cực, gây sợ hãi. Việc lưu trữ và ghi nhớ tốt các thông tin tạo thành kinh nghiệm cho mỗi cá thể để có thể tồn tại tốt hơn trong điều kiện môi trường thiên nhiên. Việc hỗ trợ lan truyền thông tin nhất là thông tin tiêu cực giúp các cá thể góp phần bảo vệ sự tồn tại của bầy đàn và nhận được sự cảm kích từ đồng loại.
Thông tin là một loại thức ăn gây nghiện
Bốn hormone hạnh phúc
- Dopamine: hormone hạnh phúc tiết ra khi đạt được quá trình, thành tựu.
- Oxytocin: hormone hạnh phúc tiết ra khi được yêu thương.
- Endorphine: hormone hạnh phúc tiết ra khi thư giãn như cười, nghe nhạc...
- Serotonine: hormone hạnh phúc tiết ra khi cảm giác được tôn trọng, biết ơn.
Cơ chế gây nghiện của ma túy
Ma túy hay morphine có cơ chế hoặc là kích thích cơ thể tạo ra endorphin hoặc là cung cấp trực tiếp endorphin tổng hợp nhân tạo cho cơ thể. Endorphin cũng là một loại hormone giúp con người cảm thấy dễ chịu, đặc biệt hơn thì hormone này giúp giải tỏa căng thẳng, lo sợ, làm người tiếp nhận bình tĩnh và giảm đau. Chính các tác dụng giúp con người cảm thấy thoải mái, dễ chịu mà người sử dụng có thể lạm dụng dẫn tới gây nghiện, khi lượng endorphin tự nhiên của cơ thể tiết ra không đủ với thói quen sẽ cảm thấy bức rứt, khó chịu. Đó là tóm lược cơ chế gây nghiện của ma túy.
Cơ chế gây nghiện của thuốc lá
Thuốc lá có thành phần chính là nicotine, xâm nhập vào cơ thể thông qua phổi. Nicotine khi xâm nhập vào cơ thể sẽ kích thích cơ thể sản sinh adrenalin, qua đó gián tiếp sản sinh ra hormone dopamine. Dopamine là một trong 4 hormone tạo nên cảm giác hạnh phúc quan trọng của con người tiết ra khi bạn đạt được một kết quả tích cực nào đó trong một quá trình, ví dụ như khi bạn chạy bộ được quãng đường như mục tiêu đặt ra hoặc gần đến đích, dopamine giúp cơ thể bạn giảm bớt đau đớn, mệt mỏi và mang lại khoái cảm khi bạn thành công đạt được mục tiêu của mình. Tương tự như ma túy, việc hút thuốc giúp mang lại khoái cảm cho cơ thể một cách nhân tạo, và theo thời gian, nhu cầu dopamine ngày càng nhiều dẫn tới các hoạt động tự nhiên không thể đáp ứng được và đó là lúc quá trình nghiện bắt đầu.
Nhu cầu được tôn trọng, được tạo ra thành quả của con người trên mạng xã hội
Mạng xã hội được thiết kế để tạo ra một nơi để mỗi người có thể chia sẻ, hay nói cách khác là khoe về thành tích hay thế mạnh của bản thân mình. Và khi nhận được tương tác tốt từ bạn bè của mình như những lời khen, những biểu tượng cảm xúc mang ý nghĩa khen ngợi thì não sẽ tiết ra serotonine, tạo ra cảm giác hạnh phúc và tạo động lực để cá nhân duy trì hoạt động của họ trên mạng xã hội. Khác với các tổ chức kinh tế, chính phủ thường khen thưởng khi cá nhân có những đóng góp giá trị cho tổ chức, xã hội, thì những lời khen ngợi ẩn danh trên mạng xã hội sẽ dễ được phát tán hơn, và đặc biệt là nó sẽ đến được với người muốn nhận, và xa hơn là nó còn có thể được lưu lại dễ dàng cho người khác đọc được, cũng giống như việc bạn trưng bày một cái bằng khen ở phòng khách nhà mình vậy. Ngoài ra, các tính năng của phần mềm mạng xã hội cũng được thiết kế để người tham gia thấy được tiến trình phát triển, tiến trình tăng trưởng thành quả của họ. Ví dụ như số lượt xem tăng, số lượng thích tăng, số lượt bình luận tăng, qua đó kích thích não người tiết ra dopamine, tạo ra cảm giác hạnh phúc. Bên cạnh đó, việc thiết kế tính năng lướt vô hạn (lướt mãi còn mãi nội dung) còn ngăn người sử dụng thoát ra do cảm xúc FOMO (fear of missing out), lo sợ mình sẽ sót mất điều gì đó quan trọng bên dưới. Phạm vi bài viết này sẽ không phân tích hết tất cả các thủ thuật gây nghiện của các dịch vụ mạng xã hội.
Mô hình kinh doanh phức tạp của mạng xã hội
Nếu như mình bán một điếu thuốc và thu tiền người hút thì mọi thứ có vẻ đơn giản và dễ hiểu. Giờ chúng ta thử một mô hình phức tạp hơn, cứ mỗi người đứng đọc 5 cái quảng cáo sản phẩm sẽ được nhận một điếu thuốc miễn phí. Bây giờ, chúng ta sẽ thu phí cho thuê ai muốn đặt quảng cáo ở biển của chúng ta. Thực tế thì bán được 5 lượt xem quảng cáo chắc không đủ tiền sản xuất ra được 1 điếu thuốc, nhưng chi phí để truyền thông tin gây nghiện đi trong thời đại công nghệ hiện tại thì rẻ hơn nhiều.
Việc có thể cung cấp sản phẩm hoàn toàn miễn phí tới người dùng giúp khả năng tiếp cận của các dịch vụ mạng xã hội trở nên rộng khắp, không có rào cản tiếp cận sản phẩm đối với bất kỳ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào. Vì việc thu phí người dùng thường phải thông qua các ràng buộc pháp lý của nhà nước sở tại, các rắc rối trong chuyển đổi tiền đa quốc gia...
Chỉ có hai ngành mà ở đó người sử dụng sản phẩm được gọi là người dùng chứ không phải khách hàng, đó là ngành bán thuốc phiện, và ngành phần mềm máy tính.
Nguồn: Computer Literacy Bookshops Interview, 1994-1997.
Ví dụ rõ ràng hơn như với Facebook, nếu bạn là người sử dụng Facebook để đăng bài viết, đọc nội dung hoàn toàn miễn phí thì bạn là người dùng của Facebook chứ không phải khách hàng của Facebook. Những người mua quảng cáo của Facebook mới là khách hàng của Facebook, khi mua quảng cáo bạn sẽ được đội ngũ hỗ trợ của Facebook chăm sóc tận tình, chu đáo.
Nếu bạn đang sử dụng dịch vụ miễn phí, bạn chính là sản phẩm mà dịch vụ đó đang kinh doanh.
Nguồn: chưa rõ nhưng được trích dẫn gần nhất bởi nhà báo Tim O’Reilly năm 2010 nói về ngành truyền hình miễn phí.
Với trường hợp của Facebook thì cái mà họ lấy của bạn chính là thời gian, năng lượng, sự tập trung của bạn. Cái họ bán cho khách hàng của họ chính là sự tập trung của bạn. Trong series The Social Dilemma được công chiếu trên Netflix, mô hình kinh doanh của mạng xã hội được so sánh bằng cách mạng xã hội nuôi dưỡng người dùng bằng cách cho người dùng ăn thông tin no nê và thu hoạch sự tập trung, thời gian của họ để đem bán.
Ảnh hưởng của mạng xã hội tới sức khỏe tinh thần người dùng
Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra người sử dụng mạng xã hội nhiều dễ gặp vấn đề về cân bằng thời gian trong cuộc sống và dễ cảm thấy không hạnh phúc với cuộc sống hiện tại của mình và thường tự ti về bản thân nhiều hơn. Nguồn: https://www.scientificamerican.com/article/why-social-media-makes-people-unhappy-and-simple-ways-to-fix-it/
Một nghiên cứu của tổ chức Save Face and Cosmetic Surgery Solicitors gần đây đã cho thấy kết quả 23% số người dùng nhìn thấy những hình ảnh về thẩm mỹ, chăm sóc cơ thể trên Instagram cảm thấy tự ti về diện mạo của bản thân mình. Một nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra rằng tỷ lệ phẫu thuật thẩm mỹ của thanh niếu niên ở Mỹ tăng có liên quan tới nền tảng mạng xã hội này.
Vì những đấu tranh của các nhà hoạt động vì sức khỏe tinh thần của người dùng mà gần đây, nhiều nền tảng mạng xã hội phải cấm hay loại bỏ các quảng cáo về phẫu thuật thẩm mỹ hay các quảng cáo mỹ phẩm sử dụng hình ảnh trước và sau sử dụng sản phẩm... Nhưng đó chỉ là giải pháp tình huống trước áp lực dư luận.
Giải pháp để giành lại thời gian, sức khỏe của mình là gì?
Nếu từ bỏ được mạng xã hội thì có thể mọi thứ sẽ dễ dàng giải quyết. Nhưng như vậy thì chúng ta lại phải từ bỏ cả những mặt lợi của mạng xã hội này. Không phủ nhận mạng xã hội giúp chúng ta tiếp cận thông tin nhanh chóng (chưa bàn tới vấn đề tin thật giả lẫn lộn), mỗi cá nhân cũng có thể dễ dàng đưa tiếng nói, ý kiến của mình tới nhiều người mà không cần tốn nhiều chi phí, cũng như khả năng giữ kết nối với bạn bè, đồng nghiệp. Khác với các công cụ hỗ trợ tổng hợp tin tức thường cố gắng tạo các báo cáo tổng quát, các tóm tắt ngắn gọn nhất của các bản tin trong ngày để người đọc có thể tiêu thụ nhanh nhất nhiều thông tin nhất mà ít tốn thời gian nhất, mạng xã hội chọn cách thể hiện chi tiết, sắp xếp theo trình tự như có vô hạn số nội dung để lướt cả đời cũng không hết và che đi các thông tin quản lý tổng quát hay thiết kế cố tình gây nỗi sợ sẽ bỏ sót cho người dùng.
Chủ động sắp xếp nội dung theo mức độ ưu tiên để tránh cảm giác lo sợ bỏ sót
Nếu bạn là một trong những người dùng Facebook lâu năm, bạn sẽ nhớ những phiên bản đầu tiên của Facebook chỉ hiển thị bài viết của bạn bè trên New Feed và nội dung được sắp xếp theo thứ tự thời gian của bài viết (không phải của bình luận trong bài viết như hiện tại). Phiên bản Facebook lúc đó tốt cho sức khỏe hơn vì người sử dụng biết được khi nào mình đã tiêu thụ hết nội dung mình quan tâm. Hiện tại bạn vẫn có thể giới hạn lại chỉ hiển thị nội dung của bạn bè của mình trên New Feed bằng cách vào Menu (click vào avatar của mình ở góc trên bên phải), chọn Feed và vào tab Friends.
Bên cạnh nội dung từ bạn bè, có thể chúng ta cũng quan tâm tới một số nguồn khác như Trang Fanpage hoặc Group. Chúng ta có thể sắp xếp nội dung Feed của mình theo thứ tự ưu tiên các nội dung mình quan tâm nhất bằng cách thêm kênh đó vào mục yêu thích (Favorite), bạn cũng có thể thêm bạn bè hoặc nhóm của bạn vào yêu thích.
Khi lập được một danh mục yêu thích gồm các nội dung quan trọng mà ta không muốn bỏ lỡ, thì hàng ngày, chúng ta có thể duyệt nội dung theo thứ tự: Yêu Thích (Favorites), Bạn Bè (Friends) hoặc mục khác. Chúng ta có thể lập ra nguyên tắc là chỉ duyệt các nhóm Feed có độ ưu tiên thấp khi chúng ta thực sự có dư thừa thời gian và đã xem hết nội dung có độ ưu tiên cao hơn (Yêu Thích hay Bạn Bè). Thông qua quá trình sử dụng hàng ngày, chúng ta có thể tái phân bổ danh mục bằng cách loại bỏ nguồn tin không giá trị nữa ra khỏi Yêu Thích, hay thêm nguồn tin quan trọng mới vào Yêu Thích.
Quản lý được danh mục của mình theo độ ưu tiên sẽ giúp bạn giảm mức độ phụ thuộc vào hệ thống tự động đề xuất nội dung của Facebook, từ đó bạn có thể biết được khi nào thực sự chúng ta đã tiêu thụ hết nội dung ta quan tâm mà không lo bỏ lỡ nội dung quan trọng và không phải phí thời gian tiêu thụ hay bị mất tập trung do những nội dung đề xuất từ máy tính mà phần lớn là sẽ vô nghĩa đối với bạn.
Sử dụng công cụ hỗ trợ bên ngoài
Hiện nay, có rất nhiều công cụ hỗ trợ đọc tin thông minh cho phép chúng ta theo dõi nhiều loại nguồn tin khác nhau từ báo, blog, Facebook, Instagram, Twitter... Hiện tại cá nhân tôi thì đang sử dụng một phần mềm có thu phí sử dụng hàng tháng tên là Inoreader, phần mềm này ngoại trừ giúp bạn gom nhiều nguồn tin vào một nơi duy nhất thì bạn còn có thể cài đặt những bộ lọc nội dung dựa trên từ khóa. Khác với Facebook thì những phần mềm như vậy được thiết kế để bạn có thể tốn ít thời gian nhất khi tiêu thụ thông tin và quản lý được tổng quan là có bao nhiêu tin chúng ta chưa đọc, cũng như biết được khi nào chúng ta đã hoàn tất tiêu thụ tất cả nội dung cần thiết trong ngày hay trong tuần. Bất lợi của công cụ này là bạn sẽ không theo dõi được bạn bè của mình hay những nhóm riêng trên Facebook mà chỉ có thể theo dõi các trang. Nếu nhu cầu tương tác với bạn bè, nhóm của mình là quan trọng, bạn có thể sẽ phải kết hợp các công cụ hoặc chỉ có thể sử dụng Facebook.
Kết luận
Không thể phủ nhận trách nhiệm của các dịch vụ mạng xã hội trong việc cố gắng giữ người dùng của mình sử dụng dịch vụ. Mặc dù lợi ích của mạng xã hội là có thể thấy rõ nhưng những hạn chế hay ảnh hưởng tiêu cực của dịch vụ luôn được cố gắng che đậy bởi các thủ thuật thiết kế phần mềm. Trong tương lai, có thể chính phủ sẽ có những bước đi để quản lý các loại dịch vụ như vậy nếu như ảnh hưởng của nó cho xã hội là quá tiêu cực. Tương tự như những ngày đầu ma túy được sử dụng để làm thuốc giảm đau rất hiệu quả và trở nên bị lạm dụng, tiêu cực và phục vụ cho các mục đích kinh tế không tốt sau này, thậm chí là mục đích chính trị (chiến tranh thuốc phiện ở Trung Quốc). Theo ước tính, trong chiến tranh thế giới thứ nhất, có hơn 400 000 quân nhân Mỹ đã bị nghiện morphin do việc sử dụng morphin làm thuốc giảm đau (nguồn: www.beachesofnormandy.com).
Trong lúc thụ động chờ đợi sự thay đổi hay hỗ trợ từ các cơ quan quản lý thì chúng ta có thể tự bảo vệ bản thân bằng cách nâng cao kiến thức, tìm hiểu rõ hơn cơ chế hoạt động của các dịch vụ mạng xã hội để khai thác tốt nhất điểm tốt của dịch vụ và tìm cách giảm ảnh hưởng tiêu cực của dịch vụ lên bản thân. Hơn hết, chính sự kỷ luật của bản thân, sử dụng sức mạnh của lý trí để chiến thắng những nhu cầu sinh học cơ bản của giống loài.
Luyện tập sức mạnh lý trí bằng cách thực hành suy nghĩ chánh niệm. Chánh niệm là khái niệm rất phổ biến trong Phật giáo, nhắc nhở mỗi cá nhân phải dành thời gian, suy nghĩ, cảm nhận những thứ mình đang có, những mặt tốt, tích cực của mình, trân trọng những thứ mình đang có, đang thuộc về mình và đừng để những ham muốn cá nhân khiến mình bị mù mờ, chỉ biết theo đuổi những thứ đang chưa thuộc về mình mà quên đi cách trân trọng những thứ đã là của mình. Thực hành chánh niệm trong Phật giáo thường kết hợp với thiền tuy nhiên không bắt buộc.
Hãy là người dùng mạng xã hội thông thái, đặc biệt là hãy tỉnh táo với những thứ đang được cung cấp miễn phí đâu đó xung quanh ta. Hãy cố gắng là khách hàng chứ đừng để mình bị biến thành sản phẩm.